HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG “TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ THUỘC THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG Ở VIỆT NAM”

Vào lúc13 giờ 30 phút chiều ngày 18/6/2024, nhằm tạo diễn đàn thảo luận, trao đổi và lắng nghe ý kiến đa chiều của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn về những vấn đề thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề tài khoa học - công nghệ cấp Bộ “Hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”, mã số B2023-LPS-01, do TS Nguyễn Thị Thiện Trí làm chủ nhiệm, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp tục hoàn thiện Pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam” tại A803, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Hội thảo trân trọng đón tiếp sự hiện diện của:

+ Về phía khách mời:

1. PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn - Nguyên Uỷ viên Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương;

2. Ông Lê Minh Đức - Phó Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân TP. HCM;

3. ThS. Dương Thị Thanh Bình - Thanh tra viên, Thanh tra TP. Thủ Đức;

4. TS. Huỳnh Thị Sinh Hiền - Phó Trưởng Bộ môn Luật Hành chính Trường Đại học Cần Thơ và các giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ.

+ Về phía nhà trường:

5. PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh;

6. PGS. TS. Nguyễn Cảnh Hợp - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo Trường, Nguyên Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM;

7. TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước;

8. TS. Đặng Tất Dũng – Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước;

9. ThS. NCS. Nguyễn Văn Trí – Phó Trưởng khoa Luật hành chính Nhà nước;

10. TS. Nguyễn Thị Thiện Trí - Giảng viên khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Chủ nhiệm đề tài;

11. TS. Nguyễn Thị Ngọc Mai – Trưởng Bộ môn Lý luận Nhà nước và pháp luật;

12. TS. Trần Thị Thu Hà – Trưởng Bộ môn Luật Hành chính; 13. ThS. NCS. Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng Bộ môn Luật Hiến pháp.

Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của các thành viên đề tài, giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, nghiên cứu sinh, học viên cao học chuyên ngành Luật Hành chính – Hiến pháp, sinh viên Chất lượng cao Hành chính – Tư pháp, sinh viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước và sinh viên các Khoa khác có quan tâm.

Mở đầu Hội thảo là lời phát biểu khai mạc của TS. Nguyễn Thị Thiện Trí: Trong bối cảnh thành phố Thủ Đức – TP thuộc thành phố duy nhất hiện nay cũng là mẫu đầu tiên về đô thị vệ tinh đang gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn quản lý cần được tháo gỡ, đồng thời nhiều đô thị trung ương cũng đang có nhu cầu thành lập các đô thị mới để giải tỏa áp lực đô thị hóa thì câu chuyện pháp lý về tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố càng được đặt ra bức thiết hơn. Vì vậy, việc nghiên cứu để xây dựng cơ sở lý luận, những luận cứ cho việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố hiện nay là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của khoa học pháp lý Việt Nam. Trước nhu cầu thực tiễn nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh chủ trì  thực hiện Đề tài khoa học- công nghệ cấp Bộ “Hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”, mã số B2023-LPS-01, do TS Nguyễn Thị Thiện Trí làm chủ nhiệm.

Nhằm tạo diễn đàn thảo luận, trao đổi và lắng nghe ý kiến đa chiều của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn về những vấn đề thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề tài, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp tục hoàn thiện Pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam”. Hội thảo tập hợp 20 bài tham luận của các giảng viên, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài trường. Tuy nhiên, vì thời lượng có hạn, nên Ban tổ chức chỉ lựa chọn 4 bài tham luận nổi bật của các chuyên gia trình bày tại 2 phiên, được điều hành xuyên suốt bởi 2 chủ tọa gồm:

1. TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng khoa Luật Hành chính – Nhà nước;

2. TS. Nguyễn Thị Thiện Trí – Giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước;

+ Tham luận đầu tiên được trình bày bởi ThS.NCS. Trần Thị Thu Hà mang tên “Một số vấn đề lý luận cơ bản về đô thị vệ tinh trên thế giới và gợi mở cho việc đổi mới tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam”. Hiện nay, tốc độ đô thị hoá ngày càng tăng, trong khi đó thành phố hiện hữu thì đang quá tải, bán kính phục vụ không còn phù hợp với năng lực phục vụ. Vì vậy, mô hình thành phố vệ tinh có thể được áp dụng ở nhiều quy mô và nó có thể nằm ở bất kỳ đâu trong khu vực thành phố. Trong đó, phần lớn đô thị vệ tinh hiện nay có xu hướng phát triển ngày càng xa hơn so với thành phố mẹ hiện hữu. Mặt khác, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin trong đời sống và sản xuất đã đưa con người trở nên “gần nhau hơn” dù đang ở rất xa nhau hàng trăm kilomet. Vì lẽ đó, sự ra đời của thành phố Thủ Đức thuộc Tp. Hồ Chí Minh để thực hiện chức năng của đô thị vệ tinh hiện nay là một sự lựa chọn, trong tương lai có thể xuất hiện thêm nhiều “đô thị vệ tinh” khác có mối liên hệ với các đô thị lớn hoặc với cả vùng đô thị. Vì vậy, việc nghiên cứu và giải quyết những vướng mắc về lý luận cũng như pháp lý của “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương” là điều khẩn thiết nhằm tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên của các lãnh thổ, cũng như hiện thực hoá khát vọng về một bước khởi đầu cho công cuộc kiến tạo chính quyền địa phương.

+ Tham luận thứ hai mang tên “Đô thị vệ tinh: kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam” của tác giả PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp. Tham luận khẳng định, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều thành phố khang trang, văn minh, hiện đại, tiện nghi đã được xây dựng nhưng sau 40 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa ở nước ta vẫn còn rất nhiều hạn chế, đó là sự thiếu đồng bộ, thậm chí có phần hỗn độn, trong đó nguyên nhân chính vẫn nằm ở khâu quy hoạch dẫn đến việc thu hồi đất khó khăn, nhiều dự án treo hàng chục năm, dẫn đến một số lượng lớn dân cư không có sinh kế, không có nhà ở ổn định, các nhu cầu về y tế, giáo dục, văn hóa đều bị ảnh hưởng. Trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác đã và đang mọc lên các khu dân cư gọi là khu đô thị lớn, văn minh, đầy đủ các tiện ích, thu hút số lượng lớn dân cư về sinh sống. Đó là những điểm sáng của đô thị Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có hoặc suy nghĩ quá chậm về một chiến lược phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh các thành phố lớn - mô hình phát triển đô thị rất thành công tại nhiều nước trên thế giới, qua đó xóa bỏ các khu nhà ổ chuột, thay vào đó là những khu dân cư tập trung văn minh, đầy đủ tiện ích được xây dựng theo quy hoạch bài bản. Sau khi kết thúc phần trình bày của 2 tham luận, Hội thảo tiến đến phần thảo luận với những ý kiến trao đổi vô cùng thiết thực của: PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp và PGS. TS. Nguyễn Tất Viễn.

+ Bài tham luận thứ ba “Tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trong cơ chế đặc thù” được trình bày bởi TS. Trần Thị Thu Hà. Theo tác giả, Uỷ ban nhân dân thành phố Thủ Đức là thiết chế trung tâm trong bộ máy chính quyền thành phố thuộc thành phố, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau 4 năm thành lập, Uỷ ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã ổn định tổ chức bộ máy và hoạt động có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên nhìn chung những thành tựu đạt được còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng. Do đó, tác giả cho rằng nghiên cứu tổ chức và hoạt động của Uỷ ban nhân dân Thành phố Thủ Đức sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 là rất cần thiết, từ đó đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này trong cơ chế đặc thù đang được áp dụng cho chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Tiếp đến là bài tham luận thứ tư được trình bày bởi Thanh tra viên Dương Thị Thanh Bình với tiêu đề “Thực tiễn hoạt động chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị và giải pháp”. Qua 3 năm thực hiện việc sát nhập và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố đã có nhiều chính sách, pháp luật có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc hoạt động của chính quyền thành phố một cách hiệu quả. Tuy nhiên, những quyết sách, chính sách pháp luật về hoạt động chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất,…ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của thành phố, tạo ra những kẽ hở pháp luật trong quá trình hoạt động gây khó khăn trong quá trình vận hành. Trong một số trường hợp chính sách pháp luật về chính quyền đô thị không theo kịp sự thay đổi và những vướng mắc trong quá trình hoạt động của thành phố Thủ Đức.

Tại phần thảo luận của phiên 2, các thành viên ban chủ tọa Hội thảo đã gợi mở thêm các hướng tiếp cận, nghiên cứu để tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận thêm. Các diễn giả và khách mời, các em sinh viên có mặt tại Hội trường đã chủ động tích cực trao đổi ý kiến và thể hiện quan điểm. Trong đó, về phía khách mời nổi bật nhất là phần phát biểu của Ông Lê Minh Đức, PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp, PGS. TS. Nguyễn Tất Viễn và TS. Đỗ Thanh Trung.

Bế mạc Hội thảo, Ban chủ tọa nhấn mạnh Hội thảo đã tập trung thảo luận giải quyết các vấn đề sau: Nguyên tắc phân định thẩm quyền trong tổ chức chính quyền đô thị vệ tinh; Pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc thành phố trên thế giới và những kinh nghiệm/ gợi mở cho Việt Nam; Thực trạng về mô hình tổ chức bộ máy chính quyền thành phố thuôc thành phố ở Việt Nam và kiến nghị đổi mới; Thực trạng về tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử thành phố Thủ Đức; Thực trạng về tổ chức và hoạt động của UBND Thành phố Thủ Đức; Thực trạng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc thành phố và kiến nghị đổi mới; Tổ chức cơ quan chuyên môn của Thành phố Thủ Đức; Phân định thẩm quyền trong tổ chức chính quyền thành phố Thủ Đức; Mối quan hệ giữa chính quyền TP Thủ Đức với chính quyền các cấp, các cơ quan trong hệ thống chính trị; Tổ chức chính quyền các Phường trong chính quyền Thành phố Thủ Đức; Tuyển dụng, quản lý công chức trong tổ chức chính quyền thành phố Thủ Đức; Tổ chức và hoạt động của chính quyền Tp Thủ Đức trong cơ chế đặc thù;...

Hội thảo kết thúc lúc 16h30 phút cùng ngày với nhiều kiến thức khoa học giá trị.

---------

Nội dung: Ban Thư ký Hội thảo.

Hình ảnh: Quang Huy - Ban Truyền thông Ulaw.

Đưa tin: Khoa Luật Hành chính - Nhà nước.

 

KHOA LUẬT HÀNH CHÍNH - NHÀ NƯỚC

Địa chỉ: Phòng A.306 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Số 02 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Tp. HCM)

Điện thoại: 0839400989 (172)

Copyright ©2022 Trường Đại Học Luật TP.HCM