Sáng ngày 17/03/2025, tại hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội Thảo “Đổi mới bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay”.
Tham dự hội thảo, về phía khách mời có LS. Nguyễn Sơn Lâm - Giám đốc Công ty Luật Nam Trí Việt. Về phía nhà trường có PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp - Nguyên Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước; TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Đảng uỷ viên, Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước; ThS.NCS. Nguyễn Văn Trí - Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, ThS. Trần Thị Ánh Minh - Phó Chủ tịch Công đoàn Trường; ThS. Võ Tấn Đào - Phụ trách Văn phòng Đảng uỷ, Công đoàn, Hội đồng Trường cùng các giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các bạn sinh viên có quan tâm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước khẳng định vai trò then chốt của bộ máy hành chính nhà nước trong việc tổ chức thực thi quyền lực nhà nước, duy trì trật tự xã hội và đảm bảo sự phát triển ổn định của quốc gia. Tuy nhiên, bộ máy hành chính hiện tại còn cồng kềnh, nặng nề, nhiều tầng nấc trung gian, dẫn đến những hạn chế trong công tác quản lý. Do đó, việc đổi mới bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hợp lý, đảm bảo sự vận hành năng động, hiệu quả là yêu cầu đặt ra mang tính tất yếu và khách quan. Hội thảo được tổ chức giúp nhận diện những điểm mới trong việc đổi mới bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam.
Mở đầu hội thảo, ThS. Huỳnh Thị Hồng Nhiên - Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước đã trình bày những vấn đề nổi bật về thực trạng và giải pháp trong việc tinh gọn bộ máy hành chính trong bối cảnh hiện nay. Quá trình tinh gọn đã đạt được nhiều kết quả khả quan: sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn; điều chỉnh cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như việc tinh giản biên chế chưa đạt hiệu quả cao và còn tập trung vào số lượng dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự có năng lực ở một số vị trí trọng yếu…Để cải cách hành chính đạt hiệu quả bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng minh bạch, rõ ràng, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện.
Đến với phần trình bày tham luận tiếp theo về “Thực trạng cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước và sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính năm 2025”, ThS. Mai Thị Lâm - Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước cho biết trước đây, hầu hết các địa phương chưa chú trọng đến việc sắp xếp, giảm bớt các đầu mối của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Một số địa phương vẫn duy trì hoặc chưa kịp thời bãi bỏ những cơ quan chuyên môn không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành lập theo các văn bản mới. Đặc biệt, việc quá nhiều địa phương thành lập các sở đặc thù đã làm mất đi tính "đặc thù" theo chủ trương của Đảng và nhà nước. Sau khi thực hiện việc tinh gọn bộ máy hành chính vào năm 2025, số lượng các đầu mối cơ quan chuyên môn đã giảm đáng kể, và pháp luật hiện hành đã giới hạn số lượng tối đa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, đồng thời quy định quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể hoặc thay đổi tên gọi các sở tùy thuộc vào đặc thù của từng địa phương.
Tiếp nối hội thảo, ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo - Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước đã trình bày tham luận “Tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân trong chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Tác giả nhận định cơ quan chuyên môn thuộc UBND trong chính quyền đô thị cần phải được tổ chức phù hợp, phát huy vai trò tham mưu, đặc biệt đối với Chủ tịch UBND - người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Song cơ quan chuyên môn thuộc UBND trong chính quyền đô thị tại TP.HCM còn tồn tại một số hạn chế. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tại TP.HCM, hạn chế tình trạng “xin cơ chế đặc thù”, khắc phục những vướng mắc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này.
Sau phần trình bày tham luận, các đại biểu tham dự hội thảo tiến hành thảo luận về các chủ đề, đồng thời đưa ra những ý kiến, đóng góp nhằm hoàn thiện các vấn đề nghiên cứu.





Hội thảo khoa học đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến công cuộc đổi mới bộ máy hành chính ở nước ta hiện nay. Cải cách hành chính là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, trong bối cảnh đổi mới của hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả thảo luận từ hội thảo sẽ là nền tảng để các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hiệu quả, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
—————————
Nội dung: Thuỳ Linh
Hình ảnh: Dạ Thảo, Quang Anh
Ban Truyền Thông Ulaw