HỘI THẢO KHOA HỌC “PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY”

Vào lúc 8giờ00 sáng ngày 18/6/2024, tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật Tp. HCM, Khoa Luật Hành chính Nhà Nước đã tổ chức hội thảo Khoa học cấp Khoa về chủ đề “Pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay”.

Về phía khách mời có sự góp mặt của: TS. Huỳnh Thị Sinh Hiền – Phó Trưởng Bộ môn Luật hành chính – Khoa Luật hành chính – ĐH Cần Thơ; Th.S. Huỳnh Thị Cẩm Hồng – Giảng viên Bộ môn Luật hành chính – Khoa Luật hành chính – ĐH Cần Thơ; Th.S. Võ Thị Phương Uyên – Giảng viên Bộ Môn Luật hành chính – Khoa Luật hành chính – ĐH Cần Thơ; Th.S. Dư Phước Thoại – Giảng viên Bộ môn Luật hành chính – Khoa Luật hành chính – ĐH Cần Thơ.

Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự hiện diện của:

- PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường;

- Th.S. Nguyễn Tú Anh – Phó Trưởng Phòng phụ trách phòng Thanh tra;

- TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước;

- TS. Đặng Tất Dũng – Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước;

- ThS. NCS. Nguyễn Văn Trí – Phó Trưởng khoa Luật hành chính Nhà nước;

- TS. Lê Việt Sơn – Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính;

- TS. Trần Thị Thu Hà – Trưởng Bộ môn Luật Hành chính;

-ThS. Trần Thị Thu Hà B – Phó Trưởng Bộ môn Luật Hiến pháp

Và sự có mặt của các giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước và các Khoa khác cùng các nghiên cứu sinh, học viên cao học có quan tâm.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước cho biết pháp luật hiện nay về xử lý cán bộ, công chức còn nhiều vướng mắc, chưa được áp dụng một cách đồng bộ. Điều này gây ra sự bất cập trong vấn đề thực tiễn khi giải quyết các vấn đề liên quan đến xử lý kỷ luật cán bộ, công chức Việt Nam. TS. Nguyễn Mạnh Hùng mong rằng buổi hội thảo là cơ hội để các chuyên gia tiếp tục giải quyết các vấn đề lý luận, chỉ ra được bất cập trong thực tế và tìm ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện hơn các quy định về xử lý cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học là tiền đề và nền tảng trong hoạt động đào tạo của Nhà trường. Do đó, buổi hội thảo lần này sẽ là một trong những tiền đề giúp Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề pháp lý trong thời gian sắp tới.

Hội thảo tập hợp 22 bài tham luận của các giảng viên, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài trường. Các bài tham luận với nội dung chất lượng và xoay quay các chủ đề trọng tâm bao gồm: (1) Những vấn đề lý luận về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức; (2) Nội dung pháp luật, đánh giá bật cập và đề xuất hướng hoàn thiện về thời hiệu, thời hạn, hình thức kỷ luật, nguyên tắc kỷ luật, thẩm quyền kỷ luật, quy trình kỷ luật, khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay. Qua quá trình làm việc nghiêm túc, khách quan, Ban chuyên môn Hội thảo đã thống nhất lựa chọn 05 bài trong số 22 bài tham luận để trình bày tại Hội thảo với hai phiên làm việc.

Mở đầu phiên làm việc thứ nhất là bài tham luận được trình bày bởi TS. Nguyễn Thị Thiện Trí với tiêu đề: “Bất cập của nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức”. Tác giả đã nêu và đánh giá hai bất cập của nguyên tắc khi áp dụng xử lý kỷ luật cán bộ công chức, viên chức. Thứ nhất, nguyên tắc xử lý kỷ luật được kỳ vọng là những quy định mang tính định hướng, chỉ đạo, có giá trị đặc định ở việc làm minh bạch hơn, sáng tỏ hơn cho những quy định cụ thể chưa rõ, còn nhiều cách hiểu. Do đó, các nguyên tắc không nên là các quy định cụ thể đưa ra các quy tắc xử sự cụ thể, làm giảm sút và mất đi tính nguyên bản ban đầu của nguyên tắc. Thứ hai, các nguyên tắc xử lý kỷ luật hành chính thiếu sự độc lập với vai trò là nguyên tắc truy cứu một loại trách nhiệm pháp lý độc lập. Từ hai bất cập trên tác giả đã đưa ra những giải pháp cụ thể để hạn chế và hoàn thiện quy định.

Tiếp nối bài tham luận đầu tiên, Th.S Vũ Thị Ngọc Dung đã trình bày bài tham luận tiếp theo với tiêu đề: “Đảm bảo sự tương thích, đồng bộ trong xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức”. Tác giả cho rằng đội ngũ cán bộ, công chức có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước, vì vậy việc đảm bảo tính tương thích, đồng bộ trong xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và xử lý cán bộ, công chức là vấn đề vô cùng quan trọng. Cụ thể, các quy định phải đảm bảo phù hợp với nguyên tắc “Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”; đảm bảo sự đồng nhất về kỷ luật đảng viên vi phạm và kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức vì đa phần cán bộ, công chức đều là đảng viên; đảm bảo yếu tố thực tiễn trong việc vận dụng quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

Trong bài tham luận thứ ba với chủ đề: “Hình thức kỷ luật công chức theo quy định của pháp luật hiện hành”, Th.S Phan Nguyễn Phương Thảo đã nêu rõ các hình thức kỷ luật công chức theo pháp luật hiện hành và nhận định rằng những quy định này khi áp dụng trên thực tế còn khá nhiều vướng mắc. Do đó, pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng và tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về hình thức kỷ luật công chức, viên chức.

Kết thúc phiên thứ nhất, TS. Trần Thị Thu Hà nhận định rằng các quy định về kỷ luật công chức, viên chức đang vận hành theo hướng ngày càng đồng bộ hơn giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật Nhà nước. Cần phải thấy rằng, sự đồng bộ này là cần thiết trên cơ sở sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Nhà nước nói chung và hoạt động xử lý kỷ luật Nhà nước nói riêng.

Phiên thứ hai với bài tham luận được trình bày bởi Th.S Võ Tấn Đào với chủ đề “Bất cập trong các quy định về thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và kiến nghị hoàn thiện”. Nội dung của bài tham luận xoay quanh thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và tác giả đã nêu ra các bất cập chính bao gồm: (1) Cách tính thời hạn xử lý kỷ luật đối với trường hợp cán bộ, công chức có từ hai hành vi vi phạm trở lên chưa có sự thống nhất; (2) căn cứ kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật còn chưa rõ ràng; (3) quy định thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật chưa được quy định chi tiết nên còn nhiều vướng mắc. Do những bất cập trên nên tác giả đã đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn quy định về thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

Bài tham luận cuối cùng được trình bày bởi NCS. ThS. Nguyễn Hoàng Yến với chủ đề “Quyền khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định kỷ luật công chức theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Tác giả đã nêu cụ thể về những số hạn chế cũng như những ý kiến kiến nghị về quy định của pháp luật liên quan đến các chủ thể có thể thực hiện quyền khiếu nại quyết định kỷ luật công chức; quyền khiếu nại lần hai đối với quyết định kỷ luật công chức; đối tượng của quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định kỷ luật; thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức.

Kết thúc buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước nhấn mạnh   rằng các quy định về kỷ luật công chức, viên chức nên được vận hành theo hướng ngày càng đồng bộ hơn giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật Nhà nước với lộ trình phù hợp và cần được nghiên cứu nghiêm túc.

Buổi hội thảo đã mang lại cho các chuyên gia, các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên Cao học, cùng đông đảo sinh viên một số góc nhìn mới mẻ khi nghiên cứu về vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ công chức theo pháp luật hiện hành. Đây là một dữ liệu để nâng cao kiến thức và tiếp tục hoàn thiện thêm pháp luật của nước nhà trong các lĩnh vực pháp lý khác nói chung và pháp luật hành chính nhà nước nói riêng.

---------

Nguồn:Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Nội dung: Đình Quý.

Hình ảnh: Khánh Linh (Ban Truyền thông Ulaw).

 

KHOA LUẬT HÀNH CHÍNH - NHÀ NƯỚC

Địa chỉ: Phòng A.306 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Số 02 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Tp. HCM)

Điện thoại: 0839400989 (172)

Copyright ©2022 Trường Đại Học Luật TP.HCM