HỘI THẢO KHOA HỌC “QUYỀN TƯ PHÁP TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN”

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 29/8/2024, nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận các vấn đề về quyền tư pháp, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền” tại Hội trường A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Hội thảo trân trọng đón tiếp sự hiện diện của:

+ Về phía nhà trường:

1. PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh;

2. ThS. NCS. Nguyễn Tú Anh - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

+ Về phía Khoa Luật Hành chính - Nhà nước:

1. TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước;

2. TS. Đặng Tất Dũng - Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước;

3. ThS. NCS. Nguyễn Văn Trí - Phó Trưởng Khoa Luật hành chính Nhà nước;

4. TS. Lê Việt Sơn - Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính;

5. TS. Nguyễn Thị Ngọc Mai - Trưởng Bộ môn Lý luận Nhà nước và pháp luật;

6. TS. Trần Thị Thu Hà - Trưởng Bộ môn Luật Hành chính;

7. TS. Dương Hồng Thị Phi Phi - Trưởng Bộ môn Lịch sử nhà nước & pháp luật;

8. ThS. NCS. Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng Bộ môn phụ trách Bộ môn Luật Hiến pháp.

Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của: - Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước và các Khoa khác có quan tâm; Nghiên cứu sinh, học viên cao học chuyên ngành Luật Hành chính - Hiến pháp, sinh viên Chất lượng cao Hành chính - Tư pháp, sinh viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước và sinh viên các Khoa khác có quan tâm.

Trong bài phát biểu đề dẫn khai mạc, TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước) nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó trọng tâm là đảm bảo độc lập của quyền tư pháp. Hiến pháp năm 2013 đã minh định Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng thì nội hàm quyền tư pháp trong khoa học pháp lý chưa được hiểu thống nhất, từ đó dẫn đến nhiều bất cập và khó khăn trong việc xây dựng nền tư pháp độc lập, vững mạnh. Trước thực trạng trên, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước đã tổ chức hội thảo “Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền”. TS. Nguyễn Mạnh Hùng hy vọng Hội thảo sẽ làm rõ những vấn đề lý luận về nội hàm của quyền tư pháp và thảo luận các vấn đề pháp lý còn đặt ra về quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 👍Hội thảo tập hợp gần 30 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học. Tuy nhiên, vì thời lượng có hạn nên Ban tổ chức chỉ lựa chọn 06 bài tham luận để trình bày tại hội thảo.

Phiên 1 của Hội thảo được Chủ trì bởi:

1. PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

2. TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Luật Hành Chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

3. TS. Lê Việt Sơn - Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Đối với phần trình bài thứ nhất, đại diện cho nhóm tác giả bài viết “Quan niệm về quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay” của TS. Nguyễn Mạnh Hùng và Kiều Việt Hưng và bài viết “Nội hàm quyền tư pháp theo quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới và kiến nghị cho Việt Nam” của tác giả NCS.ThS. Trần Thị Thu Hà và ThS. Huỳnh Thị Hồng Nhiên, NCS. ThS. Trần Thị Thu Hà đã trình bày tại Hội thảo về quan niệm quyền tư pháp trong các hệ thống và quan điểm triết học, luật học điển hình. Trên cơ sở đó, tác giả trình bày khái quát kết quả nghiên cứu về quan điểm quyền tư pháp tại các quốc gia trên thế giới như Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Từ cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế, tác giả đã đối sánh với các quy định về quyền tư pháp trong lịch sử lập hiến Việt Nam, trong Hiến pháp năm 2013 và trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024. Các tác giả cũng đưa ra các nhận định về quan niệm về quyền tư pháp tại Việt Nam hiện nay, những đề xuất và gợi mở cho các nghiên cứu tương lai về quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiếp theo, ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Những điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024” của nhóm tác giả ThS. NCS. Nguyễn Thị  Thùy Dung, ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo. Tác giả cho rằng các điểm mới tiến bộ của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 gồm: Một là, bố cục của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 hợp lý hơn Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; Hai là, các nguyên tắc tổ chức Tòa án nhân dân trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã phù hợp với Hiến pháp năm 2013; Ba là, các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt đã được thành lập để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và phù hợp với Hiến pháp năm 2013; Bốn là, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân không có nhiều sự thay đổi, nhưng có sự đổi mới về bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Năm là, nhiều quy định mới tiến bộ về Thẩm phán như tuyên thệ, ngạch và bậc của Thẩm phán, độ tuổi, nhiệm kỳ,… giúp Thẩm phán yên tâm và độc lập hơn trong xét xử; Sáu là, về tổ chức xét xử, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã quy định về nhiều điểm mới như phương thức xét xử, tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, vấn đề bảo vệ Thẩm phán…

Sau khi kết thúc phần trình bày của 2 tham luận, TS. Lê Việt Sơn đại diện Chủ tọa Hội thảo tổng kết và gợi mở những vấn đề liên quan đến chủ đề của 02 tham luận để Hội thảo tiến hành thảo luận. Trong phiên thảo luận thứ nhất, ThS. Trương Thị Minh Thùy, ThS. Huỳnh Thị Hồng Nhiên, ThS. Vũ Lê Hải Giang cũng có thêm nhiều trao đổi sôi nổi về nội hàm của quyền tư pháp của thế giới và Việt Nam. Cũng trong phiên thảo luận, ThS. Nguyễn Mai Anh đã bình luận thêm nhiều nội dung mới trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024. Cuối phiên thảo luận, TS. Đặng Tất Dũng và ThS. NCS. Nguyễn Văn Trí có thêm nhiều trao đổi mang tính xây dựng về nhiệm kỳ của Thẩm phán - một quy định mới được xem là điểm sáng trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.

Kết luận phiên 1, PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm khẳng định quyền tư pháp là một loại quyền lực nhà nước độc lập. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã cho thấy những điểm mới quan trọng tiến bộ. Song, cải cách tư pháp mang tính phức tạp, khó khăn bởi nhiều quan điểm chưa thống nhất, công cuộc cải cách sẽ tác động lớn đến con người, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường… Do đó, công cuộc cải cách tư pháp phải phù hợp, đặt trong nguyên tắc Đảng lãnh đạo và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Phiên 2 của Hội thảo được chủ trì bởi:

1. TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Luật Hành Chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

2. TS. Đặng Tất Dũng - Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước.

3. TS. Lê Việt Sơn - Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Mở đầu phiên 2, TS. Lê Việt Sơn trình bày tham luận “Kiểm soát tư pháp của Tòa án trong thực hiện quyền hành pháp thông qua xét xử hành chính ở Việt Nam”, qua đó đã cung cấp cho Hội thảo những phân tích nội dung kiểm soát tư pháp của Tòa án trong thực hiện quyền hành pháp thông qua xét xử hành chính ở hai khía cạnh chủ yếu: i) Tòa án xét xử đối với các quyết định hành chính cá biệt và hành vi hành chính; ii) Tòa án xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan trong vụ án hành chính. Trên cơ sở đó, bài viết chỉ ra những điểm bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật tố tụng hành chính làm hạn chế hiệu quả việc kiểm soát của Tòa án đối với hoạt động quản lý hành chính và đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật.

Tiếp nối phiên 2, ThS. NCS. Phạm Thị Phương Thảo đại diện để trình bày tham luận “Kiểm soát đối với việc thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam” của tác giả ThS. NCS. Phạm Thị Phương Thảo (A) và tham luận “Kiểm soát quyền lực giữa lập pháp và tư pháp trong các hình thức chính thể và những gợi mở cho Việt Nam” của nhóm tác giả ThS. Vũ Lê Hải Giang, Hà Xuân Lịch. ThS. NCS. Phạm Thị Phương Thảo phân tích về sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân và đưa ra một số kiến nghị nhằm không chỉ đẩy mạnh cải cách tư pháp, đảm bảo sự độc lập của tư pháp, có các cơ chế pháp lý hữu hiệu thực hiên các nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án mà còn phải có sự kiểm soát hiệu quả từ các chủ thể có thẩm quyền.

Trong phiên thảo luận thứ 2, ThS. Lê Thị Thu Thảo có những phát biểu và đóng góp cho Hội thảo các nội dung liên quan đến việc kiểm soát quyền tư pháp hiệu quả. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thị Ngọc Mai và TS. Lê Việt Sơn tiếp tục bàn luận và trao đổi thêm về tính chất và xu hướng quy định về Tòa sơ thẩm chuyên biệt hành chính trong tương lai. Cuối phiên thảo luận, TS. Dương Hồng Thị Phi Phi, TS. Đặng Tất Dũng và ThS. NCS. Nguyễn Văn Trí tiếp tục gợi mở các vấn đề liên quan đến kiểm soát giữa cơ quan thực hiện quyền tư pháp và các cơ quan nhà nước khác, các nội dung liên quan đến tố tụng hành chính và giải đáp các câu hỏi của các nghiên cứu sinh và học viên cao học liên quan tới chủ đề của Hội thảo.

Bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước) khẳng định quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền là một vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu sâu sắc và tương lai Nhà trường và Khoa Luật Hành chính - Nhà nước sẽ tổ chức nhiều Hội thảo các cấp cao hơn về vấn đề này. TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã thay mặt Ban Chủ tọa đưa ra những kết luận có giá trị khoa học cao và nhiều vấn đề gợi mở cho công tác nghiên cứu về quyền tư pháp và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo kết thúc lúc 11 giờ 45 phút cùng ngày với nhiều kiến thức khoa học giá trị.

 

KHOA LUẬT HÀNH CHÍNH - NHÀ NƯỚC

Địa chỉ: Phòng A.306 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Số 02 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Tp. HCM)

Điện thoại: 0839400989 (172)

Copyright ©2022 Trường Đại Học Luật TP.HCM