Sáng ngày 14/06/2023, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa “Hoàn thiện pháp luật khiếu nại ở Việt Nam hiện nay” tại Hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.
Hội thảo có sự hiện diện của TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước; TS. Đặng Tất Dũng – Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước; Ths. NCS. Nguyễn Văn Trí – Phó Trưởng khoa Luật hành chính Nhà nước; TS. Lê Việt Sơn – Phó Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính; TS. Nguyễn Thị Ngọc Mai – Trưởng Bộ môn Lý luận Nhà nước và pháp luật; TS. Trần Thị Thu Hà – Phó Trưởng Bộ môn Luật Hành chính; ThS. NCS. Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng Bộ môn Luật Hiến pháp và các Thầy, Cô Khoa Luật Hành chính - Nhà nước.
Về phía khách mời có sự tham dự của Bà Phan Thị Bình Thuận – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Tp. HCM; Ông Vũ Anh Tài – Cán bộ phòng dân nguyện, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Bà Dương Thị Thanh Bình – Thanh tra viên Thanh tra Tp Thủ Đức; Ông Hồ Quang Chánh – Thanh tra viên Thanh tra quận 12; Ông Nguyễn Sơn Lâm – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Nam Trí Việt; Ths. NCS. Nguyễn Tú Anh – Phó Trưởng Phòng Thanh Tra - Trường Đại học Luật Tp HCM; TS. Đinh Thị Cẩm Hà – Giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Bà Nguyễn Thị Hải Vân – Giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Công Nghiệp Tp.HCM cùng với khoảng 150 sinh viên đến từ các khoa, các lớp thuộc chương trình đào tạo đặc biệt chất lượng cao.
Mở đầu Hội thảo là bài phát biểu khai mạc Hội thảo của TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước. Theo đó, bài phát biểu của Thầy đã nhấn mạnh lý do, ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo: “Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 (Luật Khiếu nại 2011) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011. Qua gần 12 năm triển khai thực hiện, Luật Khiếu nại 2011 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại của cá nhân, cơ quan và tổ chức cũng như trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, thực tiễn khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong thời gian qua còn có những hạn chế, thiếu sót nhất định như: tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại còn thấp, tiến độ giải quyết chậm, chất lượng, hiệu quả giải quyết nại chưa cao, nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại chưa đúng quy định của pháp luật, Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do quy định của pháp luật về khiếu nại đã bộc lộ những bất cập nhất định. Vì vậy, các quy định của pháp luật về khiếu nại cần phải sớm được hoàn thiện. Để đóng góp những cơ sở lý luận và pháp lý cho việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về khiếu nại, việc tổ chức Hội thảo cấp khoa “Hoàn thiện pháp luật khiếu nại ở Việt Nam hiện nay” trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa cấp thiết về khoa học pháp lý và khoa học thực tiễn”
Hình ảnh: TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước phát biểu khai mạc Hội thảo khẳng định Hội thảo sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu
Phần trình bày tham luận được điều hành bởi ba chủ tọa bao gồm: TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng khoa Luật Hành chính – Nhà nước; TS. Đặng Tất Dũng – Phó trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước và Ths, NCS. Nguyễn Văn Trí – Phó trưởng Khoa Luật hành chính – Nhà nước.
Hình ảnh: Ban Chủ tọa Hội thảo khoa học cấp khoa “Hoàn thiện pháp luật khiếu nại ở Việt Nam hiện nay”
Hội thảo có 13 bài tham luận của các giảng viên, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài khoa. Các bài tham luận đều có chất lượng, nội dung xoay quay các vấn đề mà hội thảo hướng đến. Tuy nhiên, do thời gian Hội thảo có hạn, nên Ban tổ chức chỉ lựa chọn 5 bài tham luận của 5 chuyên gia trình bày tại Hội thảo. Đồng thời, để bảo sự trọng tâm, Hội thảo hướng đến các nội dung chính như sau: (1) Làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về khiếu nại và giải quyết khiếu nại; (2) Luận giải những quy định của Luật khiếu nại năm 2011 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; (3) Đánh giá những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật về khiếu nại và đưa ra những kiến nghị, sửa đổi những bất cập, hạn chế đó.
Tham luận đầu tiên được trình bày bởi TS. Lê Việt Sơn đại diện cho nhóm nghiên cứu (PGS.TS Vũ Văn Nhiêm và TS Lê Việt Sơn) với chủ đề “Hoàn thiện quy định về đối tượng khiếu nại theo pháp luật khiếu nại”. Trong bài tham luận này, nhóm tác giả đã làm rõ các đối tượng khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011. Thông qua đó, nhóm tác giả đã nêu lên bốn hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 về đối tượng khiếu nại. Thứ nhất, việc quy định đối tượng khiếu nại theo hướng định khung làm hạn chế quyền khiếu nại của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Thứ hai, sự không tương thích trong quy định của pháp luật khiếu nại và pháp luật tố tụng hành chính về đối tượng khiếu nại và đối tượng khởi kiện vụ án hành chính; Thứ ba, tất cả các quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật và các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước không được quyền khiếu nại là điều không phù hợp; Thứ tư, một số nội dung liên quan đến đối tượng khiếu nại chưa được hướng dẫn giải thích rõ. Xuất phát từ các hạn chế trên, nhóm tác giả đã đề xuất các kiến nghị hoàn thiện như sau: Thứ nhất, Luật Khiếu nại năm 2011 cần phải hướng đến quy định mở rộng đối tượng khiếu nại theo hướng các hoạt động quản lý hành chính gây ra thiệt hại đều có thể là đối tượng khiếu nại thay vì phải thể hiện dưới một dạng nhất định như quy định hiện hành. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trong trong việc bảo đảm tuyệt đối quyền khiếu nại của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm bởi các hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Thứ hai, để bảo đảm có sự thống nhất với Luật Tố tụng hành chính, Luật Khiếu nại năm 2011 cần phải sửa đổi theo hướng bổ sung các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó là đối tượng khiếu nại hành chính. Thứ ba, Luật Khiếu nại năm 2011 cần hướng đến mở rộng quyền khiếu nại đối với một số loại quyết định quy phạm và văn bản hành chính nhằm tăng cướng quyền khiếu nại của người dân và cũng chính là sự mở rộng sự giám sát của người dân đối với hoạt động quản lý hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước. Thứ tư, nhằm bảo đảm cho các đối tượng khiếu nại được rõ hơn, làm rõ ranh giới giữa khiếu nại hành hành chính với khiếu nại tư pháp, lập pháp, nhóm tác giả đề xuất cần giải thích rõ về thuật ngữ “hoạt động quản lý hành chính”. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đề cập cần phải giải thích rõ hơn cụm từ “quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại” và làm rõ các dạng biểu hiện của “văn bản” trong đối tượng khiếu nại là quyết định hành chính.
Tham luận thứ hai “Bàn về thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại năm 2011” của ThS. Trương Thị Minh Thùy. Đây là tham luận trực diện nghiên cứu về các quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 về thẩm quyền giải quyết khiếu nại và đồng thời chỉ ra một số điểm bất cập và kiến nghị hoàn thiện. Tác giả đã chỉ ra các điểm hạn chế trong quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 về thẩm quyền giải quyết khiếu nại như sau: Thứ nhất, quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại và trình tự khiếu nại chưa thống nhất giữa khoản 1 Điều 7 và các Điều 17,19, 20, 22, 23 nên tác giả đã đề xuất sửa Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 nên sửa đổi theo hướng: “Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định tại Mục 1 Chương 3 Luật này hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”. Thứ hai, cách quy ước và sử dụng thuật ngữ chưa thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nên để bảo đảm tính thống nhất về mặt thuật ngữ, Điều 17 Luật Khiếu nại năm 2011 nên sửa theo hướng: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp. Thứ ba, Luật Khiếu nại chưa quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước do đó, tác giả kiến nghị Luật Khiếu nại năm 2011 cần bổ sung các quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước.
Hình ảnh: ThS. Trương Thị Minh Thùy hăng say trình bày về tham luận “Bàn về thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại năm 2011”
Tham luận thứ ba được trình bày với tiêu đề “Một số bất cập trong các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính và kiến nghị hoàn thiện” của ThS. Võ Tấn Đào. Đây là tham luận nghiên cứu và đánh giá trực diện về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính là một nội dung đón nhận khá nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà khoa học và những chủ thể đi khiếu nại hành chính. Bài tham luận của tác giả đã trình bày rất kỹ về nội dung này. Theo đó, Ths Võ Tấn Đào nhấn mạnh các hạn chế sau trong Luật Khiếu nại về trình tự, thủ tục khiếu nại. Thứ nhất, pháp luật khiếu nại chưa quy định cách thức giải quyết trong trường hợp người khiếu nại - người đại diện hợp pháp của người khiếu nại nhiều lần không tham gia đối thoại hoặc có văn bản xin hoãn tổ chức đối thoại nhiều lần. Do vậy, trên thực tế hiện nay xảy ra hai cách xử lý như sau: 1/ Người giải quyết khiếu nại sẽ hoãn và tổ chức đối thoại. 2/ Người giải quyết khiếu nại sẽ lập biên bản về việc người khiếu nại vắng mặt tại phiên đối thoại và thực hiện các thủ tục tiếp theo trong quy trình giải quyết khiếu nại một cách bình thường. Để khắc phục hạn chế này, tác giả đề xuất: Nếu người khiếu nại vắng mặt có lý do chính đáng thì người giải quyết khiếu nại có thể ra quyết định tạm ngừng giải quyết chờ tiến hành đối thoại để có cơ sở giải quyết thông qua áp dụng thủ tục tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại. Thứ hai, pháp luật khiếu nại chưa quy định rõ ràng cách thức xử lý trong trường hợp đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định huỷ bỏ, sửa đổi đối tượng khiếu nại. Vì vậy, theo tác giả trên thực tế hiện nay tồn tại 3 cách xử lý như sau: 1/ Thu hồi, hủy bỏ quyết định thụ lý, sau đó ra thông báo từ chối thụ lý. 2/ Thông báo chấm dứt việc giải quyết khiếu nại với lý do đối tượng khiếu nại đã bị hủy bỏ. 3/ Thuyết phục người khiếu nại rút khiếu nại và ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại rút khiếu nại. Ths Võ Tân Đào đồng ý với cách xử lý thứ ba, tác giả cho rằng cách xử lý này có sự hợp lý, tôn trọng quyền của người khiếu nại đồng thời tuân thủ đúng quy định của Luật Khiếu nại và đồng thời cần ghi nhận thêm căn cứ đề đình chỉ giải quyết khiếu nại. Thứ ba, pháp luật khiếu nại còn thiếu vắng quy định về cách thức xử lý trong trường hợp người khiếu nại thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu khiếu nại. Về khoảng trống này của Luật Khiếu nại, hiện tại cũng tồn tại 3 cách xử lý: 1/ Lập biên bản ghi nhận sự việc và thực hiện giải quyết khiếu nại theo nguyện vọng của người khiếu nại. 2/ Không chấp nhận. 3/ Hướng dẫn người khiếu nại thực hiện việc rút khiếu nại, sau đó gửi đơn khiếu nại lại. Ths Võ Tấn Đào cho rằng cần hướng dẫn cụ thể vấn đề này để tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để người khiếu nại thực hiện các quyền của mình một cách thuận lợi nhất.
Tiếp nối là phần thảo luận, Bà Phan Thị Bình Thuận – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Tp HCM đã phát biểu. Hội thảo do Khoa Luật Hành chính - Nhà nước tổ chức khoa học rất ý nghĩa, đem lại nhiều kiến thức kinh nghiệm qúy báu cho công tác giải quyết khiếu nại của các cơ quan nhà nước. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại luôn là vấn đề nóng hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Bà nhận định, công tác giải quyết khiếu nại hiện nay chưa có được sự khách quan đúng mức nên chăng cần quy định thẳng cho người dân khởi kiện vụ án hành chính khi họ bị xâm phạm trực tiếp bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước.
Hình ảnh: Bà Phạn Thị Bình Thuận – Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Tp HCM, đóng góp ý kiến hoàn thiện các tham luận
Kế đến, Ông Nguyễn Sơn Lâm – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Nam Trí Việt phát biểu cảm ơn Khoa Luật Hành chính – Nhà nước đã có một chương trình hội thảo mang tầm quy mô, có nhiều kiến thức quý giá cho những người làm thực tiễn. Hiện nay đối tượng khiếu nại quy định chưa rõ nhiều vấn đề, điều này gây ảnh hưởng đến quyền khiếu nại của người dân. Khi tham gia tố tụng cho một vụ việc cụ thể, có đối tượng thì khiếu nại không được nhưng khởi kiện vụ án hành chính lại được và ngược lại có đối tượng khiếu nại được nhưng kiện hành chính lại không được. Thực tiễn đã phản ánh sự bất nhất trong quy định của pháp luật. Ông đề xuất cần phải minh thị đối tượng khiếu nại theo quan điểm trong bài tham luận rất sâu sắc của TS. Lê Việt Sơn.
Hình ảnh: Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, giảng viên, sinh viên
Tiếp đến là bài tham luận thứ tư được trình bày bởi Ths. NCS Nguyễn Hoàng Yến đại diện cho nhóm nghiên cứu (Ths.NCS Nguyễn Văn Trí và Ths.NCS Nguyễn Hoàng Yến) có tiêu đề “Hoàn thiện chế định đình chỉ giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật khiếu nại Việt Nam”. Bài tham luận xoáy sâu vào chế định đình chỉ giải quyết khiếu nại, đây là nội dung rất mới và nhóm tác giã đã có những đóng góp rất quý báu cho việc hoàn thiện chế định này của Luật Khiếu nại năm 2011. Trước hết, nhóm tác giả đã phân tích các quy định của Luật Khiếu nại về đình chỉ giải quyết khiếu nại và sau đó nhóm tác giả làm rõ một số hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Khiếu nại về đình chỉ giải quyết khiếu nại và đề xuất giải pháp hoàn thiện, cụ thể như sau: Thứ nhất, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định chưa rõ và đầy đủ về căn cứ đình chỉ giải quyết khiếu nại. Luật này chưa quy định về các căn cứ đình chỉ giải quyết khiếu nại trong các trường hợp sau: Người khiếu nại là cá nhân chết; cơ quan, tổ chức chấm dứt sự tồn tại mà quyền, nghĩa vụ của họ không được kế thừa; Sau khi thụ lý khiếu nại, người giải quyết khiếu nại phát hiện có những căn cứ không thụ lý giải quyết khiếu nại tại Điều 11 của Luật Khiếu nại; Trường hợp đối tượng khiếu nại không còn; Trường hợp người khiếu nại vắng mặt tại cuộc họp đối thoại mà không có lý do chính đáng. Thứ hai, về thủ tục đình chỉ giải quyết khiếu nại cũng chưa rõ ràng. Theo đó, Luật Khiếu nại hiện hành không quy định cụ thể về thời hạn đình chỉ Luật Khiếu nại, thể thức của văn bản đình chỉ giải quyết khiếu nại. Thứ ba, Luật khiếu nại năm 2011 quy định về hậu quả pháp lý của đình chỉ giải quyết khiếu nại còn hạn chế, chưa toàn diện. Theo đó, khoản 8 Điều 11 Luật Khiếu nại quy định quyền khiếu nại tiếp tục sau khi đình chỉ giải quyết khiếu nại chưa hợp lý, đồng thời Luật cũng chưa quy định về hậu quả pháp lý của đình chỉ giải quyết khiếu nại trong trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung. Từ các hạn chế trên, nhóm tác giả đã đề xuất các giải pháp hoàn thiện là: Thứ nhất, ghi nhận đình chỉ giải quyết khiếu nại là chế định độc lập trong pháp luật khiếu nại, Thứ hai, bổ sung căn cứ đình chỉ giải quyết khiếu nại; Thứ ba, pháp luật cần quy định rõ về thủ tục đình chỉ giải quyết khiếu nại. Thứ tư, quy định cụ thể hậu quả pháp lý của đình chỉ giải quyết khiếu nại.
Hình ảnh: Các em sinh viên chăm chú lắng nghe các diễn giả trình bày tham luận
Cuối cùng, bài tham luận thứ năm “Pháp luật về khiếu nại đối với cán bộ, công chức, viên chức – Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện” của Ths. NCS Phạm Thị Phương Thảo A đại diện cho nhóm nghiên cứu (ThS. NCS Nguyễn Văn Trí và Ths.NCS Phạm Thị Phương Thảo A). Khác với các bài tham luận đã trình bày, đây là bài tham luận mang tính cụ thể gắn liền với quyền khiếu nại của cán bộ, công chức, viên chức. Bài tham luận của nhóm tác giả đã trình bày khái quát quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 về khiếu nại của cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở này, nhóm tác giả trình bày các hạn chế và đưa ra các kiến nghị, cụ thể như sau: Thứ nhất, về thi tuyển, xét tuyển và thi nâng ngạch công chức, về miễn nhiệm công chức, quy định viện dẫn, không có cơ sở pháp lý để xác định đối tượng khiếu nại và trình tự, thủ tục thực hiện (nếu có). Nhóm tác giả kiến nghị: Bổ sung đối tượng khiếu nại trong Luật Khiếu nại hoặc trong Luật Cán bộ, công chức. Thứ hai, kết quả đánh giá, phân loại viên chức hàng năm: có là đối tượng khiếu nại? khiếu nại (Luật Viên chức) hay kiến nghị (NĐ số 90/2020/NĐ- CP)? Kiến nghị: Sửa đổi quy định tại Điều 24 Nghị định số 90/2020/NĐ- CP theo hướng”kết quả đánh giá, phân loại chất lượng viên chức hàng năm là đối tượng khiếu nại của viên chức. Thứ ba, quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc phải bồi thường thiệt hại, hoàn trả theo quyết định của đơn vị sự nghiệp công lập: không có cơ sở pháp lý để xác định đối tượng, trình tự thủ tục thực hiện. Kiến nghị: minh định rõ trình tự, thủ tục khiếu nại Thứ tư, không công nhận kết quả tập sự đối với công chức, viên chức: là đối tượng khiếu nại hay không? Kiến nghị: Bổ sung đối tượng khiếu nại là “quyết định huỷ bỏ quyết định tuyển dụng đối với công chức”, “quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức” (trong trường hợp không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự). Ngoài ra, nhóm tác giả còn rất tâm huyết khi đặt ra vấn đề liệu rằng các cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu bị kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật hay không? thời hiệu khiếu nại lần đầu đối với QĐKL cán bộ, công chức là 15 ngày là quá ngắn dễ bị mất quyền khiếu nại và cần thiết phải tăng lên. Thời hạn khiếu nại lần hai đối quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức là 30 ngày (các hình thức kỷ luật khác là 10 ngày) không có nhiều ý nghĩa thực tiễn cần phải sửa đổi hợp lý hơn.
Tiếp theo phần trình bày của Ths. NCS Phạm Thị Phương Thảo, TS. Đặng Tất Dũng đã có những ghi nhận lại về nội dung, định hướng mà tác giả tiếp cận. Đồng thời, bà cũng có những trao đổi, thể hiện sự tâm đắc với bài tham luận.
Tại phần thảo luận, Sau khi lắng nghe các diễn giả trình bày tham luận, các thành viên ban chủ tọa Hội thảo đã gợi mở thêm các hướng tiếp cận, nghiên cứu khác để tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận thêm. Hưởng ứng từ các gợi mở này, các diễn giả và khách mời, các em sinh viên có mặt tại Hội trường đã chủ động tích cực trao đổi ý kiến và thể hiện quan điểm. Trong đó, về phía khách mời nổi bật nhất là phần phát biểu của Bà Dương Thị Thanh Bình – Thanh tra viên Thanh tra Tp Thủ Đức cho rằng, bà đồng ý với các nội dung mà các tác giả đã trình bày tại Hội thảo, Bà Dương Thị Thanh Bình cho rằng đây là hội thảo rất hay và thực tiễn và đồng thời bà đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc tổ chức đối thoại khi giải quyết khiếu nại và các vấn đề về đình chỉ giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại chết mà quyền, nghĩa vụ không được thừa kế. Bà rất tán đồng và thấy được sự cần thiết Luật Khiếu nại cần sớm quy định đầy đủ và toàn diện hơn về chế định đình chỉ giải quyết khiếu nại, khắc phục những bất nhất trong thực tiễn hiện này về công tác giải quyết khiếu nại trên địa bàn thành phố Thủ Đức nói riêng và trong phạm vi cả nước nói chung. Nối tiếp lời phát biểu, chia sẻ thực tiễn của Bà Dương Thị Thanh Bình, TS Đinh Thị Cẩm Hà, Ths. Võ Tấn Đào, Ths. NCS Nguyễn Hoàng Yến cũng có những trao đổi mang tính học thuật và thực tiễn rất quý báu và có giá trị.
Phần bế mạc Hội thảo, TS. Đặng Tất Dũng đã tổng kết lại những nội dung của Hội thảo và gợi mở các hướng tiếp cận mới để các chuyên gia, các nhà khoa học, các em sinh viên có thể tiếp tục triển khai nghiên cứu trong thời gian tới. Thay mặt Ban chủ tọa, TS. Đặng Tất Dũng cảm ơn chân thành tới các chuyên gia, các nhà khoa học, các sinh viên đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến cho Hội thảo, đặc biệt Thầy cảm ơn sự đóng góp của các Thầy, Cô trong Ban tổ chức Hội thảo, các Thầy, Cô trong Bộ môn Luật Tố tụng hành chính đã chuẩn bị công phu để Hội thảo thành công tốt đẹp.
Hội thảo kết thúc lúc 11h 30 phút cùng ngày với nhiều kiến thức khoa học giá trị về chủ đề “Hoàn thiện pháp luật khiếu nại ở Việt Nam hiện nay” và với nhiều sự tâm đắc, thú vị của các thành viên tham dự!
Hình ảnh: Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu tham dự
-----------------------------------------
Nội dung: Ths. Lê Thị Mơ – Thư ký Hội thảo
Hình ảnh: - Như Quỳnh - Ban Truyền thông Ulaw