Vào ngày 15/12/2022, tại Hội trường A1002, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước và Trung tâm Quản lý đào tạo Chất lượng cao và Đào tạo quốc tế đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Hiến pháp Việt Nam 2013 đã được làm ra như thế nào”. Tọa đàm đã thu hút sự tham gia đông đảo của các giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước và hơn 200 học viên cao học, sinh viên của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Có thể nói, lịch sử lập hiến của Việt Nam đã song hành cùng lịch sử kiến thiết nước nhà, bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Trong hơn 75 năm, từ năm 1946 đến nay, các bản Hiến pháp đã lần lượt ra đời đánh dấu cho những thời kỳ lịch sử thăng trầm, đầy biến động của dân tộc. Trước những biến đổi mạnh mẽ và nhanh chóng của thế kỷ 21, Uỷ ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 đã nhìn nhận một cách đầy đủ và điều chỉnh những bất cập, những điểm chưa hợp lý, đồng thời kế thừa và phát huy được những giá trị của các bản Hiến pháp trước đó, cũng như tiếp thu những tư tưởng lập hiến tiến bộ của nhân loại để xây dựng nên Hiến pháp 2013 có nhiều điểm mới quan trọng mang tính đột phá, thể hiện bước phát triển mới về tư tưởng của nền lập hiến nước nhà.
Mục đích của Tọa đàm “Hiến pháp Việt Nam 2013 đã được làm ra như thế nào?”, như TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu khai mạc, là gợi mở những ý nghĩa của các điều khoản tiến bộ trong Hiến pháp 2013, tái hiện phần nào những câu chuyện “người thật – việc thật” của các nhà lập hiến trong thời gian viết nên Hiến pháp, và trên cơ sở đó, đánh giá sơ lược việc thi hành Hiến pháp 2013 trong thời gian qua, tạo tiền đề cho Hội thảo “Đánh giá 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013” mà Khoa Luật Hành chính – Nhà nước sẽ tổ chức trong thời gian tới.
Tọa đàm rất vinh hạnh được đón tiếp Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường –Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên thường trực Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp 2013. Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng rất vinh dự có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trong khoa học Luật Hiến pháp là:
1. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Nhiêm – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Tp. HCM;
2. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng –Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước.
Đến tham dự buổi Tọa đàm còn có các vị khách mời trong và ngoài trường như:
1. GVC. ThS. Huỳnh Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm Quản lý đào tạo Chất lượng cao và Đào tạo quốc tế;
2. TS. Đặng Tất Dũng – Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước;
3. ThS. NCS. Nguyễn Văn Trí – Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước;
4. TS. Nguyễn Trọng Tuấn – Phó Trưởng Khoa Luật, Đại học Nguyễn Tất Thành.
Tọa đàm “Hiến pháp Việt Nam 2013 đã được làm ra như thế nào?” đã diễn ra trong không khí khoa học, trang trọng nhưng không kém phần sôi nổi. Xuyên suốt chương trình, TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã khéo léo đặt vấn đề, gợi mở, dẫn dắt các nội dung quan trọng và những điểm mới đáng chú ý của Hiến pháp năm 2013. Qua đó, GS. TS. Trần Ngọc Đường đã chia sẻ nhiều điểm sáng nổi bật của Hiến pháp hiện hành so với các bản Hiến pháp trước đó, nhấn mạnh đến nội dung chủ quyền nhân dân và vấn đề phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước. Bên cạnh đó, các học viên, sinh viên tham gia Tọa đàm còn được nghe GS. TS. Trần Ngọc Đường chia sẻ những mẩu chuyện thú vị xung quanh sự ra đời của nhiều điều khoản hiến định. Tiếp nối những câu chuyện về sự ra đời của Hiến pháp 2013, PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm cũng phân tích nhiều nội dung thú vị về các điều khoản tiến bộ của Hiến pháp 2013, đặc biệt là về chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cũng như tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước then chốt.