HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG “PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH”

Nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về tổ chức và phát triển chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, sáng ngày 14/12/2022, trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Trường với chủ đề “Pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh”.

Hội thảo có sự tham dự của GS.TS.Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Uỷ viên thường trực Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp năm 2013; TS. Diệp Văn Sơn - Chuyên gia cải cách hành chính, Nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ; Bà Trương Lê Mỹ Ngọc - Phó ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân TP.HCM; Ông Lê Minh Đức - Phó Trưởng ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân TP.HCM; Bà Bùi Thị Công Nương - đại diện Sở Tư pháp TP.HCM; Bà Lê Thị Ngọc Dung - đại diện Sở Nội Vụ TP.HCM; Bà Dương Thị Thanh Bình - Thanh tra Thành phố Thủ Đức; Bà Trần Bích Trang - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP.HCM; Ông Võ Minh Hoàng - Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nhà Hòa Bình; cùng với đại diện của các Chi hội Luật gia, cơ sở đào tạo luật ở phía Nam và các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên và các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, Trưởng BTC Hội thảo khẳng định: Hội thảo được diễn ra với tinh thần nhìn nhận thẳng thắn, khách quan về ưu điểm và hạn chế của khung pháp lý về chính quyền đô thị hiện nay của TP.HCM. Ông Hải cũng bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ trở thành một diễn đàn khoa học được các đại biểu, các chuyên gia thảo luận tích cực và mang đến những kiến nghị mang giá trị tham khảo cao.

Buổi hội thảo bao gồm hai phiên thảo luận. Phiên thảo luận thứ nhất về chủ đề “Cơ sở lý luận và Pháp lý về tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM” có 03 bài tham luận: (i) Cơ sở khoa học về tổ chức chính quyền đô thị và tham chiếu cho tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM - TS. Nguyễn Thiện Trí - Giảng viên khoa Luật Hành Chính - Nhà Nước, Trường Đại học Luật TP.HCM; (ii) Tổ chức và hoạt động của Uỷ ban nhân dân TP.HCM trong mô hình chính quyền đô thị - TS. GVC. Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng Bộ môn phụ trách Bộ môn Luật hành chính, khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM; (iii) Tổ chức và hoạt động của chính quyền Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM: thực trạng và kiến nghị - ThS. Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng Bộ môn phụ trách Bộ môn Luật Hiến pháp, khoa Luật Hành chính- Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM.

 

Với bài tham luận “Cơ sở khoa học về tổ chức chính quyền đô thị và tham chiếu cho tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh”, từ những đặc trưng cơ bản của đô thị, TS. Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường ĐH Luật TP.HCM) đã đưa ra những cơ sở lý thuyết của chính quyền đô thị, Tiến sĩ Trí cho rằng: từ lý luận và thực tiễn đều cho thấy, để giải quyết những điểm nghẽn trong tổ chức quản lý đô thị hiện nay, cơ chế đặc thù không phải là giải pháp khoa học và bền vững, mà cần có xu hướng đổi mới căn cơ về triết lý và pháp luật về chính quyền đô thị.


Cũng trong phiên thảo luận thứ nhất, các tác giả đã trình bày những bất cập liên quan tới vấn đề tổ chức chính quyền đô thị, đặc biệt là khó khăn trong việc tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND TP.Thủ Đức cũng như việc phân cấp, phân quyền, uỷ quyền của chính quyền TP.HCM. Từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những bất cập về quan điểm, cũng như bất cập trong các quy định của pháp luật để hoàn thiện tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM.

Nhận định về các đề xuất, điều chỉnh và ứng dụng trong thực tiễn cho bộ máy quản lý TP.HCM từ các bài tham luận, ông Lê Minh Đức - Phó Trưởng ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân TP.HCM đánh giá cao về mức độ cần thiết, nhưng bên cạnh đó cần có thời gian để thực hiện, tức là thí điểm có lộ trình. Ông Đức cho rằng trong quá trình thực hiện cần chú trọng và đặt yếu tố “con người” làm cốt lõi, chủ động và tích cực tăng cường sự tương tác giữa nhân dân và chính quyền.

Phiên thứ hai với chủ đề “Thực tiễn tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị TP.HCM” tiếp tục nhận được sự quan tâm trao đổi của các chuyên gia với 03 bài tham luận: (i) Cần phân cấp mạnh hơn để Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng  cán bộ, công chức toàn diện đủ sức vận hành chính quyền đô thị - TS. Diệp Văn Sơn - Chuyên gia cải cách hành chính, Nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ; (ii) Quy định về tài chính đặc thù cho TP.HCM - TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM; (iii) Hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền trung ương đối với chính quyền đô thị tại TP.HCM - ThS. NCS. Phạm Thị Phương Thảo - Giảng viên khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM.

Tại phiên thảo luận thứ hai, những vấn đề về phân cấp, tài chính cho TP.HCM và các bất cập về kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền trung ương với chính quyền đô thị tại TP.HCM cũng được làm rõ hơn. Theo đó, các tác  giả đã đưa những kiến nghị cụ thể và giải pháp để hoàn thiện thêm về pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị hiện nay.

Trong bài tham luận “Cần phân cấp mạnh hơn để Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng cán bộ công chức toàn diện đủ sức vận hành chính quyền đô thị”, TS. Diệp Văn Sơn - Nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ đã đề cập đến khả năng vận hành đô thị của cán bộ, công chức và đánh giá quá trình đào tạo còn nhiều ngặt nghèo. Với tình hình đó, TS. Sơn kiến nghị rằng việc sát hạch công chức cần có sự chặt chẽ, quá trình đào tạo công chức cần bài bản hơn, đảm bảo chi phí tài trợ cũng như phúc lợi của cán bộ, công chức.

Liên quan đến “Quy định về tài chính đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh”, TS. Phan Phương Nam (Trường ĐH Luật TP.HCM) đã trình bày một số nội dung nổi bật liên quan đến những thành công và hạn chế từ NQ 54/2017/QH14 về thí điểm, cơ chế chính sách đặc thù phát triển của TP.HCM. Theo đó, tác giả đưa ra các giải pháp hoàn thiện như tăng nguồn thu từ điều tiết ngân sách Thành phố và Ngân sách trung ương, cơ chế về chính sách thuế cần có sự hợp lý hơn để tạo điều kiện phát triển kinh tế và pháp luật cần quy định chi tiết hơn về lĩnh vực tài chính.

Với bài tham luận “Hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền trung ương đối với chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh”, ThS. NCS. Phạm Thị Phương Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) đã đặt ra vấn đề xoay quanh những lý do cần phải kiểm soát quyền lực nhà nước, đặc biệt là kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền trung ương đối với chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với những minh chứng chặt chẽ từ thực tiễn, ThS. Thảo đã đề ra các giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc thực thi quyền lực nhà nước của chính quyền đô thị TP.HCM.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Đường - Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao những nội dung được trao đổi và thảo luận một cách khách quan, thẳng thắn trong khuôn khổ Hội thảo. Sau hai phiên tham luận, Hội thảo đã đi đến kết thúc với những kiến nghị có giá trị đóng góp vô cùng thiết thực, là nền tảng giúp TP.HCM có thêm định hướng phát triển xứng tầm với một siêu đô thị hàng đầu của Việt Nam.

----------------------

Nội dung, hình ảnh: Ban truyền thông Ulaw

--%>
 

KHOA LUẬT HÀNH CHÍNH - NHÀ NƯỚC

Địa chỉ: Phòng A.306 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Số 02 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Tp. HCM)

Điện thoại: 0839400989 (172)

Copyright ©2022 Trường Đại Học Luật TP.HCM

Top