BÍ QUYẾT HỌC TẬP VÀ ÔN THI MÔN LÝ LUẬN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

BÍ QUYẾT HỌC ÔN VÀ THI LÝ LUẬN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

Mục tiêu: “Cày cuốc” hôm nay- Học bổng ngày mai

Ôn thi:

  • Hệ thống lại bài học theo các cách sau:

- Hệ thống theo bài: gạch đầu dòng những nội dung chính của từng bài.

  Hệ thống theo chương trình: nội dung chương trình có 2 phần: Lý luận Nhà nước và Lý luận pháp luật. Vậy mỗi phần có những nội dung chính nào? Giữa hai học phần có mối liên kết ra sao?

  Hệ thống theo sơ đồ: sơ đồ nhánh hoặc sơ đồ tư duy. Hai học phần cần được thể hiện trong cùng một sơ đồ để thấy được tổng thể và sự liên kết.

  • Học thuộc các khái niệm, thuật ngữ mới trong chương trình:

    Chú ý: học để “nhớ nó, hiểu nó và áp dụng nó”. “nó” là một khái niệm trong lý luận nhé!

  • Tìm từ khóa và xem xét tính logic cũng như sự liên kết qua từng bài học trong chương trình.

    VD: Văn bản quy phạm pháp luật là một hình thức pháp luật, cũng nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật thì chứa quy phạm pháp luật…

  • Làm các bài tập tình huống thôi nào! Áp dụng lý thuyết vào thực hành bài tập nhé!

  • Chớ quên đọc báo, xem tin tức… để có kiến thức thực tiễn liên hệ đến bài học nhé! Bật mí là kiến thức xã hội không bao giờ là thừa khi làm bài thi đâu nha!

  • Nhớ ăn uống, ngủ nghỉ khoa học để có 100% năng lượng cho kỳ thi nhÉ!

    PS: chống chỉ định ôn bài thi cạnh giường ngủ. Hiệu ứng gây buồn ngủ sẽ rất nhanh chóng!

    Khi đi thi:

  • Chỉ mang theo dụng cụ học tập cần thiết như bút, thước… Giấy thi, giấy nháp đều được phát.

  • Đồ quý giá không nên mang theo, mang theo phải tự bảo quản vì cán bộ coi thi không giữ hộ.

  • Nhớ mang theo nước uống, thẻ sinh viên.

  • Không nên lo lắng quá và ôn bài đến tận lúc chuẩn bị vào phòng thi vì sẽ dễ bị loạn kiến thức.

Chúc các em vững vàng, thi tốt, học bổng trong tầm tay!

 

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI THI LÝ LUẬN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

VD nhận định:

Hành vi trái pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhận định này là sai(khẳng định như vậy được 0,25 điểm). Vì vi phạm pháp luật phải hội tụ đủ các dấu hiệu: phải là hành vi xác định của con người, hành vi đó trái pháp luật, có lỗi và do chủ thể có năng lực chịu trách nhiệm pháp lý thực hiện. Vì vậy nếu chỉ trái pháp luật nhưng chủ thể lại không đủ năng lực chịu trách nhiệm pháp lý thì cũng không vi phạm pháp luật.

Trả lời trọn vẹn như trên thì được 1 điểm.

- Kinh nghiệm làm câu nhận định là trả lời ngắn gọn trong 3-4 dòng.

- Nếu không lập luận để giải thích được thì nên đưa ra ví dụ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình là đúng hay sai.

- Dù là nhận định đó đúng hay sai vẫn phải giải thích.

VD Bài tập tình huống:

Phân tích cấu thành của vi phạm pháp luật.

Với dạng bài tập này phải phân tích được 4 yếu tố trong cấu thành của vi phạm pháp luật là: Mặt chủ quan, Mặt khách quan, chủ thể và khách thể của vi phạm pháp luật.

Nếu tình huống nêu điều gì thì phải xếp được ý đó vào trong 4 yếu tố kể trên và sau đó phân tích.

Vd: Anh A (20 tuổi) dùng dao khống chế chị B để cướp túi xách của chị B.

*Mặt khách quan:

- Hành vi trái pháp luật: A cướp tài sản của chị B (hành vi trái pháp luật Hình sự)

- Hậu quả: túi xách chị B bị chiếm đoạt

- Mối quan hệ nhân quả: A dùng dao khống chế để lấy đi túi xách của chị B và túi xách của chị B bị mất đi là do hành vi của A dùng dao khống chế chị B để cướp tài sản của chị B.

- Công cụ: con dao

*Mặt chủ quan:

- Lỗi: cố ý trực tiếp vì A nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, nhận thấy được hậu quả do hành vi của mình gây ra nhưng mong muốn lấy được túi xách của chị B.

- Động cơ: tình huống không nêu thì không ghi

- Mục đích: muốn chiếm đoạt túi xách của chị B

*Khách thể: quan hệ sở hữu về tài sản

*Chủ thể: A đã đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý về hình sự và có đầy đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi nên đủ năng lực chịu trách nhiệm pháp lý.

VD câu tự luận so sánh:

So sánh quyền lực trong xã hội cộng sản nguyên thủy và quyền lực nhà nước

- Phải nêu tiêu chí để so sánh

- Nêu cả điểm giống nhau và khác nhau

- Điểm khác nhau thì kẻ bảng để so sánh tương đương

VD câu chứng minh:

Nhà nước quản lý ít nhất là tốt nhất

- Có thể nêu cả quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình với nhận định được nêu

- Chủ yếu phải lập luận và nêu các căn cứ từ lý luận và thực tiễn để lý giải cho quan điểm của mình.

 

VD câu phân tích:

Phân tích đặc điểm nhà nước có quyền lực công cộng đặc biệt.

- Giải thích rõ khái niệm: quyền lực công cộng đặc biệt là gì?

- Vì sao nhà nước có quyền lực công cộng đặc biệt?

- Biểu hiện của quyền lực công cộng đặc biệt của nhà nước và cho ví dụ minh họa.

 

 

 

KHOA LUẬT HÀNH CHÍNH - NHÀ NƯỚC

Địa chỉ: Phòng A.306 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Số 02 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Tp. HCM)

Điện thoại: 0839400989 (172)

Copyright ©2022 Trường Đại Học Luật TP.HCM