NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ “TRÁCH NHIỆM HIẾN PHÁP: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN”

Vào lúc 15h00 ngày 25/12/2023, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiệm thu đề tài Khoa học - Công nghệ cấp Bộ “Trách nhiệm Hiến pháp: Cơ sở lý luận và thực tiễn” do PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp làm chủ nhiệm.

Buổi họp được tổ chức trực tiếp tại Phòng A.803 cơ sở Nguyễn Tất Thành và trực tuyến qua nền tảng Zoom.

Hội đồng nghiệm thu gồm GS.TS. Phan Trung Lý – Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và xã hội, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Dương Tuyết Miên – Phó Giám đốc Học viện Tòa án, Ủy viên phản biện; PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học Luật TP.HCM, Ủy viên phản biện; TS. Thái Thị Tuyết Dung – Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra – Pháp chế ĐHQG TP.HCM, Ủy viên; ThS. Phan Thị Bình Thuận – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM, Ủy viên; TS. Lê Việt Sơn – Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM, Ủy viên Thư ký; ThS. Trần Thúy Hồng - Phòng Quản lý NCKH&HTQT Trường Đại học Luật TP.HCM, Thư ký hành chính; PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp – Chủ nhiệm đề tài và các thành viên nhóm nghiên cứu.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp đã trình bày lý do chọn đề tài, quá trình thực hiện và những kết quả nổi bật mà đề tài đã đạt được. Theo PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp, trách nhiệm hiến pháp là vấn đề đã được nghiên cứu và áp dụng phổ biến ở các quốc gia trên thế giới; tuy nhiên, ở Việt Nam trách nhiệm hiến pháp gần như là một khoảng trống trong hoạt động lập hiến và lập pháp. Mặc dù Hiến pháp 2013 quy định mọi hành vi vi phạm hiến pháp đều bị xử lý nhưng trên thực tế chưa có văn bản nào quy định vi phạm hiến pháp, chủ thể chịu trách nhiệm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm chỉ mới được quy định trong rất ít trường hợp, còn trong thực tế thì rất ít được áp dụng. Do đó Đề tài này là công trình đầu tiên trình bày một cách hệ thống những vấn đề lý luận về trách nhiệm hiến pháp gồm khái niệm, bản chất, đặc điểm, cơ sở truy cứu trách nhiệm hiến pháp, chủ thể chịu trách nhiệm, các hình thức chế tài trách nhiệm hiến pháp, vai trò của trách nhiệm hiến pháp, khẳng định trách nhiệm phát sinh khi có vi phạm hiến pháp cần được gọi là trách nhiệm hiến pháp - một loại trách nhiệm pháp lý. Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn về trách nhiệm hiến pháp ở Việt Nam và kinh nghiệm nước ngoài, đề tài đã nêu lên quan điểm về sự cần thiết xác lập chế định trách nhiệm hiến pháp trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật về các biện pháp trách nhiệm hiến pháp.

Với tư cách người phản biện thứ nhất, PGS.TS. Dương Tuyết Miên đánh giá nhóm tác giả đã thực hiện đề tài công phu, nghiêm túc, xây dựng thành công hệ thống cơ sở lý luận về trách nhiệm hiến pháp, phân tích làm rõ các quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện, các giải pháp, kiến nghị đưa ra mang tính khoa học, bám sát với thực tiễn. Ngoài ra, PGS.TS. Dương Tuyết Miên cũng đưa ra một số góp ý nhằm hoàn thiện đề tài về lỗi kỹ thuật, dịch thuật và trích dẫn.

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm, trong nhận xét phản biện của mình đã cho rằng Đề tài đã đáp ứng tốt yêu cầu về số lượng, khối lượng sản phẩm theo đăng ký. Các sản phẩm và kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn. Song nhóm tác giả có thể tiếp tục nghiên cứu sâu thêm một số biện pháp cụ thể về cơ chế bảo vệ Hiến pháp nhằm củng cố các giải pháp đã đề xuất.

Các thành viên khác của Hội đồng nghiệm thu cũng đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu, giá trị học thuật và ý nghĩa thực tiễn của Đề tài, đây là công trình đã phân tích một cách thuyết phục vai trò của trách nhiệm hiến pháp đối với việc bảo đảm hiệu lực Hiến pháp và đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay; đặc biệt là các kiến nghị về xử lý vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hội đồng nghiệm thu đề tài cho rằng nhóm tác giả nên tiếp tục hoàn thiện công trình và xuất bản thành sách để phổ biến các kết quả nghiên cứu đã đạt được.

GS.TS. Phan Trung Lý - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của đề tài: Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về trách nhiệm hiến pháp nên đây là công trình rất có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn.

Sau khi thảo luận và thống nhất ý kiến, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao kết quả  nghiên cứu Đề tài và xếp loại Xuất sắc.

------------

Nội dung: Huyền Diệu Hình ảnh: Diễm Hân Ban Truyền thông ULAW Nguồn: Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh

--%>
 

KHOA LUẬT HÀNH CHÍNH - NHÀ NƯỚC

Địa chỉ: Phòng A.306 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Số 02 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Tp. HCM)

Điện thoại: 0839400989 (172)

Copyright ©2022 Trường Đại Học Luật TP.HCM

Top