HỘI THẢO CẤP KHOA “PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ”

Sáng ngày 14/10/2022, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa “Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam – Những vấn đề pháp lý” tại Hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Hội thảo có sự hiện diện của TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước; TS. Đặng Tất Dũng – Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước; TS. Lê Việt Sơn – Phó Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính; TS. Nguyễn Thị Ngọc Mai – Phụ trách bộ môn lý luận nhà nước; TS. Dương Hồng Thị Phi Phi – Phó Trưởng Bộ Môn Lịch sử Nhà nước và pháp luật và các Thầy, Cô Khoa Luật Hành chính nhà nước. Về phía khách mời có sự tham dự của Ths. NCS Nguyễn Tú Anh – Phó Phòng Thanh Tra, TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng – Giảng viên Khoa Luật Hình sự cùng với hơn 100 sinh viên đến từ các khoa, các lớp thuộc chương trình đào tạo đặc biệt chất lượng cao.

Mở đầu Hội thảo là bài phát biểu khai mạc Hội thảo của TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước. Theo đó, bài phát biểu của Thầy đã nhấn mạnh lý do, ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo: “Trong thời gian vừa qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng ở nước ta đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệt của Đảng, Nhà nước, từ đó đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, công tác cán bộ cải cách hành chính bảo đảm tính công khai, minh bạch; xác định rõ trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ những bất cập. Để đóng góp những cơ sở lý luận và pháp lý cho việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, việc tổ chức Hội thảo “Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam – Những vấn đề pháp lý” trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa cấp thiết về khoa học pháp lý và khoa học thực tiễn”.

Hình ảnh: TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước phát biểu khai mạc Hội thảo

Phần trình bày tham luận được điều hành bởi ba chủ tọa bao gồm: TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng khoa Luật Hành chính – Nhà nước; TS. Đặng Tất Dũng – Phó trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước và TS. Lê Việt Sơn – Phó trưởng bộ môn Luật Tố tụng hành chính.

Hình ảnh: Ban Chủ tọa Hội thảo khoa học cấp khoa “Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam – Những vấn đề pháp lý”

Hội thảo có 20 bài tham luận của các giảng viên, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài khoa. Các bài tham luận đều có chất lượng, nội dung xoay quay các vấn đề mà hội thảo hướng đến. Tuy nhiên, do thời gian Hội thảo có hạn, nên Ban tổ chức chỉ lựa chọn 5 bài tham luận của 5 chuyên gia trình bày tại Hội thảo. Đồng thời, để bảo sự trọng tâm, Hội thảo hướng đến các nội dung chính như sau:1) Những vấn đề lý luận về phòng, chống tham nhũng và các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; 2) Tìm ra những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; 3) Làm rõ những bất cập, hạn chế trong thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; 4) Kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập, hạn chế đối với những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tham luận đầu tiên được trình bày của ThS. Nguyễn Thanh Quyên với chủ đề “Hành vi tham nhũng và các giải pháp phòng chống tham nhũng”. Trong bài tham luận này, tác giả đã làm rõ khái niệm tham nhũng và liệt kê cụ thể các hành vi tham nhũng. Đồng thời, tác giả cũng nêu khái quát về vấn đề phòng, chống tham nhũng ở một số quốc gia khác trên thế giới như Trung Quốc, Phần Lan, Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất một số phương hướng cũng như kiến nghị mang tính khái quát để hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.

Sau khi nghe phần trình bày, TS. Lê Việt Sơn đã đúc rút các nội dung cơ bản của bài tham luận và gợi mở thêm, Luật Phòng, chống tham nhũng của nước ta có nên quy định lại khái niệm về tham nhũng giống như một số quốc gia khác trên thế giới?

ThS. Nguyễn Thanh Quyên – Giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước trình bày tham Luận “Hành vi tham nhũng và các giải pháp phòng chống tham nhũng”

Tham luận thứ haiQuy định Hồi tỵ trong pháp luật phong kiến Việt Nam và những giá trị trong phòng chống tham nhũng” của ThS. Nguyễn Phương Thảo. Tham luận này đã thể hiện một hướng nghiên cứu khá đặc biệt, từ góc độ lịch sử về công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam ở các Triều đại nhà Lê Sơ, triều đại nhà Nguyễn. Trong 10 phút trình bày, tác giả đã phân tích những đặc điểm điển hình của chế độ Hồi tỵ trong pháp luật nhà Lê sơ và nhà Nguyễn. Trên cơ sở đó, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị mang tính gợi mở nhằm định hướng áp dụng quy định Hồi tỵ trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Sau khi lắng nghe tham luận, TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã ghi nhận những kiến thức quý giá của bài tham luận, đã cung cấp thêm những kiến thức về công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta trong thời kỳ lịch sử nhà Lê, nhà Nguyễn. Tiến sỹ nhận định, kế thừa những giá trị tốt đẹp từ lịch sử, đúc rút kinh nghiệm từ lịch sử để hoàn thiện thể chế hiện nay là một quan điểm cần được hưởng ứng trong mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực xây dựng pháp luật.

Bài tham luận của ThS. Nguyễn Phương Thảo về “Quy định Hồi tỵ trong pháp luật phong kiến Việt Nam và những giá trị trong phòng chống tham nhũng”

Tham luận thứ ba được trình bày với tiêu đề “Kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” của ThS. Võ Tấn Đào. Đây là một trong những tham luận nghiên cứu, đánh giá trực diện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, Ths. Võ Tấn Đào cho rằng: Bên cạnh những ưu điểm cụ thể, Luật Phòng chống tham nhũng còn thể hiện một số bất cập, hạn chế là: Thứ nhất, pháp luật vẫn chưa xác định rõ các chức danh tương đương Phó trưởng phòng trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, gây khó khăn cho việc xác định đối tựơng kê khai tài sản, làm việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất. Thứ hai, Cách hiểu chưa thống nhất trong quy định “biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên”, gây ra tình trạng khó xác định. Thứ ba, phạm vi nghĩa vụ kê khai tài sản còn chưa phù hợp. Thứ tư, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP chưa thống nhất về nội dung kê khai. Thứ năm, pháp luật phòng, chống tham nhũng chưa đề cập đến tài sản hình thành trong tương lai, các khoản nợ, các khoản vay, các khoản chi tiêu dùng hay chi đầu tư có giá trị lớn, Thứ sáu, việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, mang tính nội bộ, Thứ bảy, pháp luật phòng, chống tham nhũng còn bỏ ngỏ về cách thức xử lý đối với tài sản, thu nhập được kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình nguồn gốc rõ ràng. Trên cơ sở này, tác giả đã lần lượt đề xuất bảy kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đặc biệt phải kể đến kiến nghị Luật cần quy định: phải kê khai thêm tài sản, thu nhập “con thành niên” áp dụng đối với Giám đốc sở và tương đương trở lên trong thời gian 3 năm sau khi đã về hưu.

Sau phần trình bày, TS. Đặng Tất Dũng nhận thấy đây là bài tham luận gợi mở nhiều nội dung có giá trị khoa học cao. Theo đó, TS. Đặng Tất Dũng cho rằng kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là nội dung rất nóng trên các diễn đàn hiện nay. Kiến nghị của Ths. Võ Tấn Đào về việc đề xuất Luật phải quy định kê khai tài sản sau khi về hưu 3 năm là đề xuất có tính thực tiễn cao. Ngoài ra, về bài tham luận này, Ths. NCS Phạm Thị Phương Thảo A cũng có những ý kiến bổ sung thêm tạo cho không khí buổi hội thảo thêm sôi nổi, nhiệt huyết.

Hình ảnh: ThS. Võ Tấn Đào tâm huyết trình bày tham luận

Tiếp đến là bài tham luận thứ tư được trình bày bởi TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng có tiêu đề “Một số vấn đề về truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi tham nhũng theo Luật Hình sự Việt Nam”. Phần trình bày rất tâm huyết của tác giả đã cung cấp nhiều kiến thức mang tính khoa học cao về các quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) về các tội phạm tham nhũng. Đặc biệt, tác giả đã chỉ dẫn khá nhiều các điểm chưa hợp lý, toàn diện của BLHS 2015 về các tội phạm tham nhũng, có thể kể đến là: Thứ nhất, quy định của BLHS 2015 về các tội phạm tham nhũng chưa đồng bộ với Luật phòng chống tham nhũng năm 2018. Thứ hai, BLHS năm 2015 quy định Mục 1 Chương XXIII Các tội phạm tham nhũng là không cần thiết và không đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng. Thứ ba, BLHS 2015 chưa tội phạm hóa đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp hay còn gọi là làm giàu bất chính. Thứ tư, quy định về miễn trách nhiệm hình sự cho người có hành vi đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phác và có thể được trả lại của đã dùng để đưa hối lộ (khoản 7 Điều 364 BLHS 2015) nếu áp dụng không hợp lý có thể làm gia tăng hành vi đưa hối lộ. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện: 1/ Bãi bỏ việc phân thành 2 mục là Các tội phạm tham nhũng và Các tội phạm khác về chức vụ trong Chương XXIII BLHS. 2/ Cần nghiên cứu bổ sung Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản vào Chương các tội phạm về chức vụ. 3/Cần nghiên cứu bổ sung quy định Tội nhũng nhiễu trong khi thi hành công vụ vào Chương các Tội phạm về chức vụ 4/ Cần nghiên cứu để quy định Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm giàu bất hợp pháp

Sau khi lắng nghe phần trình bày của TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng, TS. Lê Việt Sơn đánh giá rất cao về các nội dung mà tác giả trình bày. TS. Lê Việt Sơn nhận thấy, bài tham luận của TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng có nhiều nội dung đặc sắc, liên quan chặt chẽ đến việc hoàn thiện BLHS 2015 về các tội phạm tham nhũng, cung cấp nhiều kiến thức quý giá cho công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Bài tham luận “Một số vấn đề về truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi tham nhũng theo Luật Hình sự Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng thu hút được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, học giả

Cuối cùng, bài tham luận thứ nămKinh nghiệm của Singapore về phòng, chống tham nhũng – Giá trị gợi mở cho Việt Nam” của Ths. Huỳnh Thị Hồng Nhiên. Đây là bài tham luận có sự nghiên cứu công phu của tác giả khi nghiên cứu về công tác phòng, chống tham nhũng của Singapore – một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về các biện pháp phòng chống tham nhũng có những thành tựu, hiệu quả vượt trội. Theo đó, tác giả đã tiếp cận và nêu rõ các điểm nổi bật trong Luật Phòng, chống tham nhũng của Singapore như Singapore thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập với tên gọi là Cục điều tra chống tham nhũng (CPIB). Các thành viên CPIB hoạt động chuyên trách nên dành toàn bộ thời gian và công sức cho công việc nên hiệu qủa công việc rất cao. Đặc biệt, kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của Singapore rất hiệu quả với các biện pháp sau: Thường xuyên rà soát hệ thống luật pháp, thể chế hoá khuôn khổ chống tham nhũng toàn diện và chú trọng tăng cường mức độ hình phạt đối với hành vi tham nhũng; Thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập, trong sạch và hiệu quả; Sự nghiêm minh của Tòa án trong xét xử vi phạm; Xây dựng và tổ chức bộ máy công vụ gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả; Xây dựng chương trình giáo dục, tuyên truyền về phòng chống tham nhũng sâu rộng. Trên các cơ sở này, tác giả đã gợi mở cho Việt Nam về phòng, chống tham nhũng ở ba phương diện: Chú trọng yếu tố con người; Áp dụng những biện pháp hữu hiệu, quyết liệt; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Tiếp nối phần trình bày của Ths. Huỳnh Thị Hồng Nhiên, TS. Đặng Tất Dũng đã có những ghi nhận lại về nội dung, định hướng mà tác giả tiếp cận. Đồng thời, Ths. Trương Thị Minh Thùy cũng có những trao đổi, thể hiện sự tâm đắc với bài tham luận. Ths. Trương Thị Minh Thùy cho rằng, nội dung đặc sắc đó chính là chế độ dưỡng liêm mà Ths. Huỳnh Thị Hồng Nhiên nhắc đến trong thể chế của Singapore. Thế nhưng, Ths. Trương Thị Minh Thùy cho rằng, trong bối cảnh như Việt Nam liệu có thực hiện được chính sách dưỡng liêm để hạn chế tham nhũng hay không?

Hình ảnh: ThS. Huỳnh Thị Hồng Nhiên hăng say trình bày tham luận

Tại phần thảo luận, Sau khi lắng nghe các diễn giả trình bày tham luận, các thành viên ban chủ tọa Hội thảo đã gợi mở thêm các hướng tiếp cận, nghiên cứu khác để tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận thêm. Hưởng ứng từ các gợi mở này, các diễn giả và khách mời, các em sinh viên có mặt tại Hội trường đã chủ động tích cực trao đổi ý kiến và thể hiện quan điểm. Trong đó, về phía khách mời nổi bật nhất là phần phát biểu của Ths. NCS Nguyễn Tú Anh – Phó phòng Thanh tra. Cô phát biểu trong sự xúc động trước sự bài bản, tầm cỡ, quy mô và vô cùng ý nghĩa của buổi Hội thảo do Khoa Hành chính – Nhà nước tổ chức. Theo đó, Ths. Nguyễn Tú Anh cho rằng: Về việc phân chia hành vi tham nhũng trong bài của Ths. Nguyễn Thanh Quyên nên bổ sung thêm cách phân chia dựa theo mục đích, động cơ vụ lợi, đó là tham nhũng vật chất và phi vật chất nhằm bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ hơn. Mặt khác, Ths. Nguyễn Tú Anh cũng đặt ra câu hỏi cho tham luận của Ths. Nguyễn Phương Thảo, liệu rằng việc quy định chế độ hồi tỵ vào thể chế tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức của nước ta hiện nay có vi phạm đến quyền được cống hiến, làm việc của con người? Tiếp nữa, về tham luận của TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng, Ths. Nguyễn Tú Anh còn băn khoăn về kiến nghị TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng đưa ra là cần hình sự hóa hành vi nhũng nhiễu. Vấn đề này liệu có khả thi và dễ dàng quy định hay không?

Sau khi nghe trao đổi của Ths. Nguyễn Tú Anh, TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng cũng thể hiện sự đồng tình với ý kiến của Ths. Nguyễn Tú Anh, song TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng vẫn cho rằng kiến nghị đó là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đây là giải pháp mà Việt Nam cần nghĩ tới nhằm bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

TS. Lê Việt Sơn – Phó Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính cùng ban chủ tọa Hội Thảo chia sẻ, trao đổi, thảo luận về vấn đề đặt ra trong các bài tham luận

Tiếp đến là phần trao đổi rất chủ động, tích cực của các bạn sinh viên ưu tú tham dự hội thảo. Mở đầu là câu hỏi đến từ sinh viên Nguyễn Tri Phương - Lớp Hình sự 44A. Em Phương cho rằng: Trong phần trình bày của Ths. Võ Tấn Đào có đề cập đến nội dung, các chủ thể là đối tượng phải kê khai tài sản thì phải kê khai tài sản ở nước ngoài. Vậy tài sản này là những tài sản nào và cơ chế như thế nào để kiểm soát số tài sản này và mong Ths. Võ Tấn Đào giải thích rõ hơn? Cùng với đó, một bạn sinh viên khác thuộc lớp CLC có đặt câu hỏi: Theo kiến nghị của một số bài tham luận, nước ta cần phải thành lập riêng biệt, độc lập cơ quan phòng chống tham, vấn đề là cơ quan này sẽ được thành lập vào nhành quyền lực nhà nước nào? Lập pháp, hành pháp hay tư pháp?. Hưởng ứng không khí hào hứng sôi nổi đó, bạn sinh viên đến từ lớp Hành chính 45 có đặt câu hỏi về bài tham luận của Ths. Huỳnh Thị Hồng Nhiên, em xin được giải thích rõ hơn về tố cáo nặc danh. Đặc biệt, bạn sinh viên khác lại đề ra câu hỏi rất hay về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân, em cho rằng nước ta có cần khôi phục lại chức năng kiểm sát chung của VKSND để nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam? Thêm vào đó là câu hỏi rất thực tiễn của bạn sinh viên đến từ lớp Quản trị luật. Bạn cho rằng: Hiện tại còn tồn tại trường hợp một vài cơ quan nhà nước nhận tiền của người dân không chính đáng, đây có phải là hành vi tham nhũng vặt hay không? Ngoài ra còn nhiều câu hỏi, nội dung trao đổi đến từ các sinh viên khác.

Sau khi lắng nghe các nội dung trao đổi, thắc mắc của các bạn sinh viên, các giảng viên có tham luận liên quan đã trả lời các câu hỏi, trao đổi của các sinh viên một cách nhiệt tình và nhận được hưởng ứng sôi nổi và rất tâm đắc của các sinh viên.

Phần thảo luận kết thúc khi thời gian buổi hội thảo là gần 12h trưa, không khí Hội trường vẫn đang nóng, sự tâm huyết, hào hứng, hân hoan vẫn hiện lên trên khuôn mặt của các Thầy, Cô, các khách mời và các bạn sinh viên. Thế nhưng thời gian có hạn nên phần thảo luận tại Hội thảo đã khép lại bằng một tràng vỗ tay giòn giã sôi động cả Hội trường.

Hình ảnh: Một trong số các bạn sinh viên tham dự sôi nổi đặt câu hỏi về vấn đề pháp lý xoay quanh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam

Phần bế mạc Hội thảo, TS. Đặng Tất Dũng đã tổng kết lại những nội dung của Hội thảo và gợi mở các hướng tiếp cận mới để các chuyên gia, các nhà khoa học, các em sinh viên có thể tiếp tục triển khai nghiên cứu trong thời gian tới. Thay mặt Ban chủ tọa, TS. Đặng Tất Dũng cảm ơn chân thành tới các chuyên gia, các nhà khoa học, các sinh viên đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến cho Hội thảo, đặc biệt Thầy cảm ơn sự đóng góp của các Thầy, Cô trong Ban tổ chức Hội thảo, các Thầy, Cô trong Bộ môn Luật Tố tụng hành chính đã chuẩn bị công phu để Hội thảo thành công tốt đẹp.

Hội thảo kết thúc lúc 12h05 cùng ngày với nhiều kiến thức khoa học giá trị về chủ đề “Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam – Những vấn đề pháp lý” và với nhiều sự hân hoan của các thành viên tham dự!

Hình ảnh: Hội thảo kết thúc trong trong không khí hân hoan nồng ấm

Nội dung: Ths. Lê Thị Mơ – Thư ký Hội thảo

Hình ảnh: Tân Hưng - Ban Truyền thông Ulaw

 

 

 

--%>
 

KHOA LUẬT HÀNH CHÍNH - NHÀ NƯỚC

Địa chỉ: Phòng A.306 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Số 02 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Tp. HCM)

Điện thoại: 0839400989 (172)

Copyright ©2022 Trường Đại Học Luật TP.HCM

Top